VFF: ‘Việt Nam sẽ nhập tịch có chừng mực, không như Indonesia’

Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Anh Tú khẳng định đào tạo cầu thủ trẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu, còn việc nhập tịch phụ thuộc nhiều yếu tố và không thể ồ ạt.

– Một trong những dấu ấn đặc biệt trong hành trình vô địch của Việt Nam ở ASEAN Cup 2024 là sự tỏa sáng của tiền đạo Nguyễn Xuân Son. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?

– Son xuất hiện đúng thời điểm. Tính cách vui vẻ, chân thành giúp cậu ấy hòa nhập nhanh. Ở đội tuyển, Son sinh hoạt như một người Việt Nam bản địa. Cậu ấy đùa giỡn với mọi thành viên khiến chẳng ai nghĩ đây là một người nước ngoài nhập tịch Việt Nam.

Việc nhập tịch được cho Son, đưa cậu ấy lên đội tuyển và lập tức thành công còn giúp cho các trường hợp tương tự sau này dễ dàng hơn. Tâm lý người hâm mộ cũng không còn nhiều sự phân biệt hay ý kiến trái chiều nữa.

– Tuy nhiên, Son đang chấn thương nặng. Ông nghĩ cần sử dụng cậu ấy thế nào cho hợp lý thời gian tới?

– Có quan điểm cho rằng nếu SEA Games 2025 cho dùng cầu thủ quá tuổi thì dùng Xuân Son và đội hình mạnh nhất. Tuy nhiên, việc này tùy thuộc vào HLV. Cá nhân tôi nghĩ nên dùng Son một cách hợp lý. Lạm dụng quá sẽ không hay.

Indonesia dùng dàn cầu thủ mang dòng máu lai rất đông. Chúng ta sẽ không làm như họ vì như vậy phá vỡ toàn bộ nền tảng đào tạo trẻ. SEA Games là đấu trường cho cầu thủ trẻ tiếp nối và cần trao cơ hội cho họ để không bị hổng thế hệ.

Tiền đạo Nguyễn Xuân Son mừng bàn nâng tỷ số lên 2-0 trong trận Việt Nam thắng Myanmar 5-0 tại vòng bảng ASEAN Cup 2024. Ảnh: Hiếu Lương

– Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ vận dụng chính sách nhập tịch như thế nào?

– Đó là xu thế không thể cưỡng lại. Nhưng VFF vẫn xác định đào tạo trẻ là quan trọng nhất. Nếu nhập tịch quá nhiều thì công tác này sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta không thể trông chờ chỉ vào nhập tịch. Nó phải hợp lý và có chừng mực.

– Một số ứng viên nhập tịch hoặc mang dòng máu lai tiềm năng có thể lên tuyển thời gian tới là ai?

– Jason Quang Vinh Pendant của Công an Hà Nội (CAHN) là cầu thủ tiềm năng. Cậu ấy trẻ và chơi ở vị trí hậu vệ trái mà đội tuyển cần tăng cường. Trước đây, cánh trái có Đoàn Văn Hậu nhưng đáng tiếc cậu ấy bị chấn thương. Thật sự khó cho Hậu hiện tại. Chúng tôi đã hỗ trợ cậu ấy rất nhiều nhưng để hồi phục cần nhiều yếu tố. Nếu có Quang Vinh, vị trí này có thể được khỏa lấp. Nhưng phải xem xét cầu thủ này có phù hợp với chiến thuật của HLV không.

CAHN đang xúc tiến nhập tịch cho Vinh, còn VFF không quyết định được việc này nên khó trả lời. Việc nhập tịch cũng cần nhiều yếu tố, như CLB tuyển được cầu thủ tốt không. VFF cũng được giới thiệu cầu thủ rồi liên hệ với CLB, nhưng dùng được thì mới nói tới nhập tịch.

– Với tư cách trưởng đoàn đội tuyển dự ASEAN Cup vừa qua, ông cảm nhận thế nào về quá trình làm việc giữa HLV Kim Sang-sik, ban huấn luyện với các cầu thủ?

– Đội tuyển không khác gì một gia đình sau một tháng rưỡi gắn bó. Không có khoảng cách giữa ban huấn luyện với cầu thủ, cầu thủ với cầu thủ. Họ quây quần, luôn vui đùa và không khách sáo. Các cầu thủ đến từ nhiều CLB khác nhau nhưng quý mến nhau. Để có được không khí ấy, ban cán sự đã thể hiện tốt vai trò. Đội trưởng Đỗ Duy Mạnh, đối phó Quang Hải và Tiến Linh chững chạc và hòa đồng.

HLV Kim Sang-sik cũng từng trải qua đời cầu thủ quậy phá. Ông ấy từng trốn tập, nhậu nhẹt nên quá hiểu các học trò. HLV làm tâm lý cực kỳ tốt khi giúp cầu thủ cảm thấy yên tâm, luôn sẵn sàng kể cả khi không được đá chính. Ông xoay tua 25 cầu thủ nên nếu ai lơ là sẽ bị loại ngay.

Tôi có thể lấy ví dụ về Phạm Tuấn Hải, một trường hợp đặc biệt. HLV trưởng cất Tuấn Hải rất lâu, nhưng khi ra sân luôn làm rất tốt. Ông Kim nói nhìn vào mắt Tuấn Hải thấy được khát khao ra sân, nhưng vì chiến thuật nên ông chưa dùng. Cho đến lượt về chung kết, ông nói chiến thuật hôm nay là dành cho Tuấn Hải. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời.

Thủ môn Nguyễn Filip (trái) là cầu thủ Việt kiều duy nhất trong đội hình vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Đức Đồng

Thủ môn Nguyễn Filip (trái) là cầu thủ Việt kiều duy nhất trong đội hình vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Đức Đồng

– Sau hơn một năm không thành công, chức vô địch Đông Nam Á có ý nghĩa thế nào với ông và VFF?

– Mọi người có thể nghĩ thành công này che mờ thất bại trước đó. Nhưng chúng tôi nghĩ thất bại và thành công luôn song hành. Khi thất bại, ta phải đánh giá nguyên nhân để xem cần khắc phục thế nào. Với thành công này, ta đã rút kinh nghiệm từ giai đoạn HLV Philippe Troussier dẫn dắt.

Tôi luôn nói phải tìm HLV phù hợp. Sau khi chia tay Troussier, chúng tôi có khoảng 20 ứng viên ở vòng loại, rồi chọn ra tám người từ châu Á đến châu Âu. Sau đó, rút gọn tiếp còn năm và Hội đồng HLV Quốc gia xếp hạng từng người từ một đến năm. Chúng tôi cùng cân nhắc trước khi quyết định chọn ông Kim Sang-sik.

– Những lý do thuyết phục nào đã dẫn đến lựa chọn như vậy?

– HLV Kim Sang-sik lúc đó vừa thất bại ở CLB nhưng chúng tôi xét thấy phù hợp. Về tuổi tác, ông ấy còn khỏe và di chuyển liên tục được. Bản thân HLV trưởng rất áp lực mà lịch thi đấu, di chuyển dày nữa thì càng mệt. Trong hợp đồng, mục tiêu đề ra là vào chung kết ASEAN Cup. Nhiều người nghi ngờ nhưng với chúng tôi, ông Kim sẽ phải ra đi nếu thất bại với mục tiêu ấy.

– Khởi đầu đã thành công. Kế hoạch tiếp theo là gì?

– Mục tiêu đầu tiên là giữ vững thành tích ở khu vực. Với tình cảm của người hâm mộ, chúng tôi không được phép thất bại, dù biết giữ vững thành tích này không dễ dàng. Chúng tôi cũng đặt quyết tâm lọt vào vòng loại ba World Cup 2030. Kế hoạch dài hạn là lọt vào top 10 châu Á.

Muốn làm được phải hội tụ nhiều yếu tố. Thứ nhất là nguồn lực tài chính. Thứ hai là CLB bền vững, như Hà Nội FC hay Nam Định. Hai CLB góp phần làm đội tuyển mạnh được như hiện nay, trong đó Nam Định đã rất quyết liệt trong việc nhập tịch Xuân Son.

Thứ ba là cơ sở vật chất phải đảm bảo để phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Tôi lấy ví dụ nếu ngay từ đầu đội tuyển được đá ASEAN Cup ở sân Mỹ Đình thì chắc chắn đông khán giả được đến xem hơn. Tôi hy vọng cơ sở vật chất ngày một tốt lên. Các yếu tố phải đồng bộ thì bóng đá mới thành công và vươn tầm.