Lỗi xe không chính chủ năm 2025 là gì?
Theo điểm a khoản 3 và điểm h khoản 7 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có thể hiểu lỗi xe không chính chủ là hành vi không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.
Trường hợp bị xử phạt lỗi xe không chính chủ năm 2025
Căn cứ khoản 10 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định trường hợp bị xử phạt lỗi xe không chính chủ như sau:
10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm h khoản 7 Điều 32 của Nghị định này được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Như vậy, người dân chỉ bị phạt lỗi không chính chủ thông qua:
– Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
– Công tác đăng ký xe;
– Công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Mức xử phạt lỗi xe không chính chủ năm 2025
– Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.
+ Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.
– Đối với xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.
Ngoài ra còn bị buộc làm thủ tục đổi, thu hồi, cấp mới, cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện).
(Điểm a khoản 3, điểm h khoản 7 và điểm g khoản 19 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Đi xe của người thân, bạn bè có bị phạt lỗi xe không chính chủ không?
Như đã phân tích ở trên thì chỉ bị xử phạt lỗi xe không chính chủ thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Do đó, chỉ những trường hợp mua xe, được tặng xe… mà không làm thủ tục sang tên theo quy định mới bị xử phạt lỗi xe không chính chủ. Còn việc mượn xe của người thân, bạn bè lưu thông trên đường sẽ không bị CSGT xử phạt về lỗi xe không chính chủ.
Mặc dù khi khi mượn xe người thân, bạn bè… để chạy trên đường thì sẽ không bị phạt lỗi xe không chính chủ. Tuy nhiên, khi chạy xe của người thân, bạn bè… thì người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy.
Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
– Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
– Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
– Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
– Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
(Khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)