Đội tuyển U20 nữ Việt Nam có lợi thế lớn trước thềm lễ bốc thăm vòng loại U20 nữ châu Á 2026.
Theo thông báo chính thức từ LĐBĐ châu Á (AFC), đội tuyển U20 nữ Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống cao nhất tại vòng loại U20 nữ châu Á 2026. Đây là lợi thế rất lớn dành cho đoàn quân áo đỏ khi tránh được hàng loạt đối thủ mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên…
Không chỉ có vậy, Việt Nam còn được AFC lựa chọn là 1 trong 8 địa điểm đăng cai các bảng đấu vòng loại. Như vậy, U20 nữ Việt Nam sẽ được thi đấu các trận vòng loại trên sân nhà.
Điểm tựa sân nhà từng giúp đoàn quân áo đỏ đạt thành tích ấn tượng và vượt qua vòng loại giải đấu năm 2024. Thời điểm đó, sân Việt Trì thường xuyên chứng kiến số lượng khán giả khoảng 7000 người đến sân cổ vũ cho các cầu thủ, tạo nên bầu không khí sôi động. Đây là con số thuộc vào hàng cao nhất lịch sử vòng loại U20 nữ châu Á.
U20 nữ Việt Nam đã 6 lần tham dự giải U20 nữ châu Á với thành tích cao nhất là lọt vào vòng tứ kết năm 2004
Ngoài U20 nữ Việt Nam, khu vực Đông Nam Á còn 1 đội tuyển khác nằm trong nhóm hạt giống cao nhất là U20 nữ Myanmar. Những đại diện còn lại của khu vực như Indonesia, Campuchia, Lào (nhóm 3), Singapore (nhóm 4) hay Timor Leste (nhóm 5) đều có nguy cơ đối diện với “bảng tử thần”. Riêng U20 nữ Thái Lan không cần dự vòng loại do đã có vé với tư cách đội chủ nhà VCK U20 nữ châu Á 2026.
Giải U20 nữ châu Á 2026 có sự thay đổi lớn khi số đội tham dự tăng từ 8 lên 12 đội. Kéo theo đó, thể thức vòng loại cũng thay đổi hoàn toàn. Các đội vô địch hay á quân giải đấu trước đó không còn vé vào thẳng mà vẫn phải thi đấu vòng loại.
33 đội tham dự vòng loại được chia làm 8 bảng đấu (7 bảng có 4 đội và 1 bảng có 5 đội). 8 đội nhất bảng và 3 đội nhì bảng xuất sắc nhất giành quyền lọt vào VCK. Vòng loại diễn ra từ 2/8 đến 10/8/2025. VCK diễn ra tháng 4/2026 tại Thái Lan.
Đặc biệt, giải U20 nữ châu Á 2026 cũng đồng thời là vòng loại U20 World Cup nữ 2026. 4 đội lọt vào bán kết sẽ giành vé đến với World Cup.
Các nhóm hạt giống vòng loại U20 nữ châu Á 2026
Nhóm 1: Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc Nhóm 2: Đài Bắc Trung Hoa, Iran, Lebanon, Nepal, Ấn Độ , Jordan, Kyrgyzstan, Bangladesh Nhóm 3: Hong Kong (Trung Quốc), Campuchia, Palestine, Northern Mariana Islands, Indonesia Nhóm 4: Guam, Turkmenistan, Mông Cổ, Singapore Nhóm 5: Bahrain, Saudi Arabia, Syria, Timor Leste Các đội chủ nhà: Việt Nam (Nhóm: 1), Trung Quốc (1), Uzbekistan (1), Myanmar (1), Malaysia (3), Bhutan (3), Lào (3), Tajikistan (4) |