Trong bài viết dưới đây, tạp chí Hàn Quốc Sisa cho rằng các đội tuyển Đông Nam Á cuồng nhiệt thái quá về ASEAN Cup, nếu so với các giải châu Á và thế giới.
Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo trên thế giới. Tổng dân số của 10 quốc gia ASEAN khoảng 690 triệu người, đông hơn cả Liên minh châu Âu. Có ba quốc gia dân số trên 100 triệu người, là Indonesia (khoảng 290 triệu), Philippines (110 triệu) và Việt Nam (100 triệu).
Về thể thao, các nước Đông Nam Á cũng cạnh tranh quyết liệt để dẫn đầu khu vực. Đại hội Thể thao Đông Nam Á là một cuộc thi toàn diện với nhiều bộ môn, là một ví dụ.
Tuy nhiên, cũng còn một sân khấu khác mà họ thực sự đam mê, đó là ASEAN Cup – giải bóng đá vô địch Đông Nam Á diễn ra hai năm một lần. Cuộc thi này dùng để xác định đội mạnh nhất trong môn thể thao phổ biến nhất vùng, thường được gọi là “World Cup của Đông Nam Á”.
Cơn sốt tuyển dụng HLV người Hàn Quốc gần đây ở Đông Nam Á cũng bắt nguồn từ giải này. Năm 2018, “phép màu Park Hang-seo” đưa Việt Nam trở lại đỉnh khu vực. Năm 2020, HLV Shin Tae-yong đưa Indonesia vào chung kết, đặt nền móng cho chặng đường dài. Năm 2022, HLV Kim Pan-gon gia nhập Malaysia, giúp Hàn Quốc có ba HLV dẫn đội vào bán kết.
Tại ASEAN Cup 2024, HLV Kim Sang-sik và Ha Hyuk-jun là những đại diện Hàn Quốc mới tại giải. Ông Ha dẫn Lào yếu, nhưng nhanh chóng nâng cao sức mạnh của đội để tạo ra những màn trình diễn ấn tượng, trong đó có trận hòa Indonesia 3-3. Ngôi sao thực sự của giải là ông Kim Sang-sik, dẫn Việt Nam qua vòng bảng và bán kết với thành tích bất bại, thắng năm, hòa một trận.
Đối thủ của Việt Nam ở chung kết là “kình địch” Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ có người Việt Nam nghĩ tới cụm từ “kình địch” trong cuộc đối đầu này. Bởi trước đây, họ chịu lép vế với chỉ 3 trận thắng, 8 hòa và 17 thua khi gặp Thái Lan. Đặc biệt, họ không thắng đối thủ này trên sân nhà kể từ năm 1998, tính đến trước chung kết vừa qua.
HLV Kim đã chấm dứt chuỗi trận tệ hại của Việt Nam, với chiến thắng 2-1 ở lượt đi trên sân Việt Trì, và sau đó thắng 3-2 tại Bangkok.
Việt Nam đã ăn mừng chức vô địch bất bại với bảy trận thắng, một hòa. Thầy trò Kim trở về Việt Nam một ngày sau, được mời tới Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng xuống sân sau chiến thắng ở lượt đi chung kết. Sau đó, đoàn quân Kim được trao tặng Huân chương Lao động vì đã đem lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam. Tổng số tiền thưởng cho đội bóng đã vượt quá 1 tỷ won (17 tỷ đồng).
Kim tiếp quản vị trí ở đội tuyển tháng 5/2024, và người Việt Nam tin rằng một HLV người Hàn Quốc sẽ phù hợp, giống như ông Park trước đây. Kim đã rảnh việc một năm kể từ khi bị CLB Jeonbuk sa thải, nhưng ông đã nhanh chóng tái thiết tuyển Việt Nam.
Khi đó, niềm tin của người hâm mộ đã lung lay sau thất bại của HLV Philippe Troussier, giữa cảnh chuyển giao thế hệ cầu thủ. Kim đưa đội tới Hàn Quốc tập huấn trước giải đấu quyết định số phận của ông tại Việt Nam. Cũng như Park, Kim cải thiện thành tích của đội bằng cách rèn thể lực, để chơi với cường độ cao, và đấu tập với những CLB mạnh ở Hàn Quốc. Nhờ đó, Việt Nam trình diễn ổn định tại giải đấu có mật độ chỉ khoảng ba ngày một trận.
Sau khi vô địch, Kim cho rằng “những thành tích của Park vẫn rất tuyệt vời ở Việt Nam”. “Ông Park đã cho tôi sự động viên và lời khuyên tuyệt vời”, Kim nói thêm. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc vượt qua ông. Tôi chỉ lặng lẽ bước đi trên con đường của riêng mình và cố gắng không trở thành một người khác”.
Không được như Kim, ông Shin Tae-yong lại là nạn nhân của một lòng tự hào dân tộc độc đáo tại Đông Nam Á. Shin đã bất ngờ bị sa thải sau 5 năm gắn bó, trái ngược với Kim. Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tuyên bố hai bên đồng thuận chấm dứt hợp đồng, nhưng trên thực tế, đó là quyết định sa thải đơn phương.
Chỉ hai tháng trước, vị trí của Shin vẫn vững vàng, khi ông giúp Indonesia thắng Arab Saudi 2-0 ở vòng loại thứ ba khu vực châu Á, World Cup 2026. Họ vươn lên đứng thứ ba bảng C, tiến sát suất dự VCK World Cup ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thành tích kém cỏi của đội tại ASEAN Cup khiến Shin bị trảm.
Indonesia gần đây tạo nên cơn sốt ở vòng loại World Cup, với số lượng lớn cầu thủ lai và nhập tịch đang chơi tại châu Âu và Mỹ. Nhưng họ không thể triệu tập tất cả cầu thủ chủ chốt cho ASEAN Cup. Dù các trận được tính điểm FIFA cấp độ A, các CLB không có nghĩa vụ nhả cầu thủ về đội tuyển dự giải này. Shin đã thành lập đội tuyển dựa trên những cầu thủ U23, nhưng thực tế rất khắc nghiệt. Họ thua cả Việt Nam lẫn Philippines, bị loại ngay từ vòng bảng.
Sau đó, một số kênh truyền thông đưa tin về khả năng Shin bị sa thải. Chủ tịch PSSI, ông Erick Thohir, là một chính trị gia tỷ phú, đồng thời là Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước. Ông không thể không để ý đến dư luận, và cuối cùng đã sa thải Shin để thay đổi mạnh mẽ định hướng quản lý đội tuyển, bằng cách bổ nhiệm danh thủ châu Âu như Patrick Kluivert.
Sau khi nhận thông báo sa thải sáng 6/1, Shin kết thúc nhiệm kỳ bằng cách ký một thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trong vài giờ. Dư luận Indonesia phản đối, cho rằng đó là “một quyết định vội vàng”. Nhiều tuyển thủ cũng đã đăng tin nhắn và hình ảnh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cũ trên mạng xã hội.
Việc sa thải Shin cũng cho thấy sự thiếu kiên nhẫn của đội tuyển tại Đông Nam Á, bên cạnh sự cuồng nhiệt họ dành cho bóng đá. So với vòng loại World Cup hay vòng loại Olympic, ASEAN Cup giống như cuộc chiến “ếch ngồi đáy giếng” không có nhiều ý nghĩa. Quyết định sa thải Shin là lựa chọn cực đoan, vì Indonesia đã thất bại ở một giải đấu đáng tự hào giữa các đội tuyển Đông Nam Á.
Sisa Journal là tạp chí Hàn Quốc, thành lập năm 1989, phát hành hàng tuần, chuyên bình luận các vấn đề thời sự. Phiên bản trực tuyến của tạp chí hiện có khoảng gần 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, theo thống kê Semrush. |