Phạm Xuân Mạnh: ‘HLV Kim Sang-sik ra lệnh phải cắm cờ trên sân Thái Lan’

Trò chuyện với VnExpress, hậu vệ Phạm Xuân Mạnh miêu tả lời căn dặn của HLV Kim Sang-sik trước lượt về chung kết ASEAN Cup 2024 với Thái Lan là chất xúc tác cực mạnh vào trái tim và khối óc các cầu thủ.

Phạm Xuân Mạnh (giữa) cùng đồng đội háo hức chạm vào chiếc Cup, ở lễ trao giải vô địch cho Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 trên sân Rajamangala ngày 5/1/2025. Ảnh: Đức Đồng

– Việt Nam khép lại ASEAN Cup 2024 bằng hai chiến thắng trước kỳ phùng địch thủ Thái Lan ở chung kết. Góc nhìn của Xuân Mạnh thế nào khi anh đá chính và thi đấu trọn vẹn cả hai trận?

– Trong cả hai trận, thắng 2-1 ở lượt đi và 3-2 ở lượt về, chúng tôi đều giữ tâm thế tự tin, không e ngại và thoải mái chơi bóng. Việc ghi bàn trước mỗi trận càng tăng thêm sự tự tin. Riêng trận đấu trên sân Rajamangala, có những thời điểm chúng tôi hồi hộp, lo lắng nhưng chắc chắn không sợ.

Tôi nghĩ, đội chỉ mắc hai sai sót, đều diễn ra ở lượt về. Đầu tiên là tình huống Doãn Ngọc Tân mất bóng dẫn đến bàn gỡ 1-1 của Benjamin Davis. Còn bàn thắng của Supachok Sarachat lại là bài học kinh nghiệm nhiều hơn. Chúng tôi nhận ra bất cứ ai muốn chiến thắng cũng có thể làm tất cả mọi thứ, thậm chí chơi không đẹp. Tôi và đồng đội phàn nàn với trọng tài nhưng biết là không thể lật ngược tình thế, không thể hy vọng Thái Lan trả lại bàn khác cho Việt Nam.

Nhưng chính điều đó đã kích thích tinh thần, khiến chúng tôi tăng thêm sĩ khí. Đội đã chơi mạnh mẽ, va chạm nhiều hơn khiến đối phương lúng túng rồi dẫn đến sai sót là thẻ đỏ của Weerathep Pomphan và bàn phản lưới của Pansa Hemviboon. Cuối cùng, Hai Long ghi một bàn tuyệt vời. Bóng lăn từ từ, nhẹ nhàng, vừa vặn để vào lưới, như muốn trêu ngươi người Thái là phá đi, phá đi mà không được. Chúng tôi đã thắng Thái Lan hai trận liền như thế.

Xuân Mạnh tranh chấp bóng bổng với tiền đạo Patrik Gustavsson ở lượt về chung kết với Thái Lan. Ảnh: Giang Huy

– Cá nhân Xuân Mạnh chuẩn bị thế nào cho hai cuộc đại chiến ấy?

– Khi còn là cầu thủ trẻ, tôi xem các anh lớn đá AFF Cup (nay là ASEAN Cup) và thất bại rất nhiều trước Thái Lan. Tôi ước sau này được dự giải để đối đầu người Thái. Giấc mơ ấy thành hiện thực năm 2021 khi giải đá tập trung tại Singapore do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng tôi không được thi đấu nhiều, chỉ vào sân từ ghế dự bị với tổng cộng 14 phút trong hai lượt bán kết, lần lượt thua Thái Lan 0-2 và hòa 0-0.

Kỳ này tôi được đá sáu trận với 531 phút, rồi góp mặt trong đội hình chính cả hai lượt chung kết gặp Thái Lan. Bước vào sân, ký ức 2021 lại ùa về, nhưng nhờ nó mà bản thân quyết tâm hơn. Tôi tự nhủ nếu không đánh bại Thái Lan bây giờ thì có thể sẽ không bao giờ làm được, vì quãng đời cầu thủ của mình ngày càng ngắn.

– Điều gì đã tiếp thêm quyết tâm phục thù và tự tin cho anh?

– Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc bị Theerathon Bunmathan đánh nguội mà trọng tài không phát hiện ở cuối lượt về bán kết AFF Cup 2020. Đã thua, còn bị đối thủ chơi xấu như thế thì không bao giờ quên được.

Còn điều tiếp thêm tự tin cho tôi là được HLV Kim Sang-sik lựa chọn đi họp báo trước lượt đi chung kết năm nay. Đấy là khoảnh khắc tôi nghĩ mình đã nhận được niềm tin của HLV trưởng. Ở họp báo, tôi nhận được câu hỏi “Có sợ Thái Lan không”. Tôi đáp rằng, tôi không sống trong quá khứ mà chỉ nhìn nhận lại để học hỏi, còn giờ là tập trung cho hiện tại để hướng tới tương lai. Chúng tôi phải thi đấu thật tốt để giúp bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển.

Ở buổi thử sân trước trận, chúng tôi tập xong thì đứng thành vòng tròn giữa sân. HLV Kim Sang-sik nói đây là buổi tập trước trận chiến cuối, rồi nhắc lại ba điều “một là vô địch, hai là vô địch và ba là vô địch”. Thế rồi, ông ấy chỉ tay vào chấm giao bóng và nói “Ngày mai chúng ta phải cắm cờ Việt Nam tại đây, bắt buộc phải vô địch”.

Đấy là chất xúc tác cực mạnh và đúng thời điểm để chạm đến trái tim và khối óc cầu thủ, để khát khao hơn khi ra sân. Và sự thật, chúng tôi đã làm được tại Rajamangala.

Sau khi nhận Cup, Hai Long thay mặt đội tuyển cắm lá cờ xuống sân Rajamangala. Hình ảnh ấy khiến ký ức chung kết U23 châu Á 2018 tại Thường Châu ùa về trong tôi. Năm đó, sau khi thua Uzbekistan 1-2 ở phút cuối hiệp phụ, chúng tôi đi vòng quanh sân để chào và cảm ơn khán giả với cái đầu cúi. Khi quay lại khu kỹ thuật, đội xếp vòng tròn. Bất chợt, HLV Park Hang-seo quát “Tại sao phải cúi đầu. Các bạn đã làm rất tốt rồi, phải ngẩng cao đầu lên vì đã làm hết sức”.

Nguyễn Hai Long (giữa) thay mặt các đồng đội cắm cờ trên sân Rajamangala như đã hẹn với HLV Kim Sang-sik sau khi vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Đức Đồng

– Nhưng, trận đấu trên Rajamangala cũng để lại nốt trầm với chấn thương nặng của Nguyễn Xuân Son. Lúc đó, anh nghĩ gì?

– Tôi từ tuyến dưới đi lên đến vòng cấm Thái Lan thì Xuân Son đã lên cáng. Tôi chỉ biết chắc chắn rất đau, quay ra hỏi han thì Phạm Tuấn Hải bảo ‘Khả năng gãy chân anh ạ!’. Tôi sững người. Thú thật, tôi không lo lắng cho đội mà thương Son vì gãy chân thì tội quá. Chúng tôi đang đá trận cuối và sắp được về nhà nghỉ ngơi. Son phải đánh đổi như thế rất tội nghiệp.

Bây giờ vô địch rồi, nói chắc ít người tin. Nhưng thật sự chúng tôi vẫn tự tin sau khi xốc lại tinh thần. Tôi không lo lắng, vì Nguyễn Tiến Linh luôn sẵn sàng khi vào sân thay người. Chúng tôi tự thấy cần quyết tâm thắng hơn nữa, vì Son và để cậu ấy đỡ buồn. Cuối cùng, đội đã làm được. Sau này, chúng tôi xem lại những video và gặp trực tiếp thấy Son rất tích cực. Cậu ấy ở bệnh viện vẫn theo dõi trận đấu qua điện thoại để cổ vũ đồng đội. Hôm rồi mới mổ dậy còn hát Quốc ca. Tinh thần rất Việt Nam.

– Khoảng một năm trước ASEAN Cup, bóng đá Việt Nam khá ảm đạm với những thất bại liên tục ở Asian Cup rồi vòng loại World Cup. Theo Xuân Mạnh, điều gì giúp đội tuyển thay đổi như vậy, đặc biệt là về mặt tinh thần?

– Nền tảng là chuyến tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc. Ở đó, chúng tôi cảm thấy HLV Kim sẽ trao cơ hội cho tất cả mọi người. Ông ấy nói rằng “Các bạn không có khác biệt về trình độ chuyên môn và ai cũng có thể ra sân”. Sự thật là trừ thủ môn Trần Trung Kiên vì vị trí đặc thù, 25 cầu thủ còn lại đều được thi đấu.

Sau đó, sự tự tin được tăng lên qua từng trận. Đầu tiên là vượt qua áp lực trận ra quân thắng Lào 4-1, rồi hạ tiếp Indonesia ở trận đầu tiên trên sân nhà. Đó chỉ là chiến thắng 1-0 trước đối thủ không mang đội hình mạnh nhất, nhưng nó vẫn đem lại sự hưng phấn sau một năm toàn thua Indonesia.

Cuối cùng là sự xuất hiện của Xuân Son như một làn gió mới, ghi bàn liên tục giúp đội thêm phấn chấn. Màn trình diễn của cậu ấy chứng minh vì sao xứng đáng nhập tịch để thi đấu cho ĐTQG.

Phạm Xuân Mạnh (số 7) tranh bóng với đội trưởng Thái Lan Peeradon Chamratsamee. Ảnh: Giang Huy

– Về mặt chiến thuật, Xuân Mạnh vốn là chân chạy cánh nhưng vì sao lại được xếp đá trung vệ lệch phải tại giải này?

– Chỉ HLV Kim Sang-sik mới có thể trả lời kỹ càng vấn đề này. Thực tế, tôi được tập cả năm vị trí ở hàng thủ năm người. Nhưng tôi có thể có một vài điểm nắm được, là việc ông ấy muốn tôi đá trung vệ vì tính tập trung cao và bọc lót cho đồng đội tốt.

HLV Kim đề cao tính tập trung. Năm hậu vệ phải đứng bằng nhau và gần nhau. Họ phải sẵn sàng bọc lót cho nhau và thông tin đến nhau thật nhiều.

– Anh nghĩ sao về việc HLV Kim liên tục xoay tua đội hình?

– Tôi không bất ngờ, thay vào đó có cái nhìn tích cực. Chúng tôi đã chia đội hình từ khi còn tập huấn ở Hàn Quốc. HLV Kim đã chuẩn bị trước từng đội hình cho mỗi trận sao cho đảm bảo thể lực để có thể đi đến trận cuối. Chúng tôi dùng một đội hình trước Lào, sau đó di chuyển về mệt lại đá đội hình khác trước Indonesia. Tôi cho rằng điều này không chỉ giúp cơ thể giảm mệt mỏi mà còn khích lệ tinh thần cực tốt cho từng người để duy trì phong độ cao suốt giải.

– Vậy anh cảm thấy thế nào sau sáu tháng làm việc cùng HLV Kim?

– Ông ấy luôn đứng mũi chịu sào, trước mọi áp lực và chỉ trích, nhưng vẫn cố gắng tạo ra sự thoải mái, qua những bữa ăn và buổi tập. Trong đội, Tiến Linh rất hay trêu thầy, bắt chước mấy câu “Nhanh lên” hay “Làm tốt lắm” bằng tiếng Hàn Quốc. Điều đó làm không khí trong đội rôm rả, thoải mái và dễ chịu.

Tôi cũng chưa thấy HLV Kim tỏ ra buồn bã hay thể hiện mệt mỏi hàng ngày. Ông ấy muốn gần gũi với cầu thủ nên lúc nào cũng tươi cười để truyền năng lượng tích cực, thay vì tạo cảm giác tiêu cực. Sau chung kết, tôi thấy HLV Kim rất vui nhưng chắc thức khuya và mệt mỏi quá nên cười cũng không nổi nữa.

Xuân Mạnh đóng góp hai kiến tạo ở ASEAN Cup 2024, trong đó có đường chuyền cho Phạm Tuấn Hải thoát xuống mở tỷ số trong trận lượt về chung kết với Thái Lan. Ảnh: Đức Đồng

– Từng có quan điểm cho rằng các cầu thủ no nê danh hiệu thì dễ đánh mất động lực, kéo theo thành tích tập thể đi xuống. Xuân Mạnh nghĩ sao về điều này?

– Với tôi, cầu thủ ra sân là để giành danh hiệu, từ đó được ghi nhận thành tích bằng tinh thần và vật chất. Mọi người từng công nhận lứa U23 Thường Châu xứng đáng được hưởng những phần thưởng rất lớn. Liệu họ có hết động lực không?

Thực tế, lứa ấy còn nhiều cầu thủ vừa vô địch ASEAN Cup 2024, gồm tôi, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Duy Mạnh, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Thành Chung, Vũ Văn Thanh và Nguyễn Quang Hải.

– Cá nhân anh làm thế nào để trở lại sau biến cố chấn thương cách đây bảy năm và duy trì động lực?

– Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo với nhà tranh vách đất, rồi nhờ bóng đá mà kiếm được tiền xây nhà khang trang hơn cho gia đình, có cuộc sống cá nhân sung túc hơn. Tôi ý thức được nghề nghiệp, và càng ý thức hơn sau quãng thời gian mông lung vì đứt dây chằng cổ chân phải sang Singapore chữa trị năm 2018.

Để giữ gìn phong độ, cái khó nhất là chăm chỉ và kỷ luật. Tôi không dám nhận mình là người chăm chỉ hoặc kỷ luật cao nhất, nhưng ý thức được rằng đây trước tiên là nghề của mình để biết phải ăn uống ra sao, kiêng rượu bia thế nào. Động lực thì lúc nào cũng có, cùng việc tập luyện hàng ngày và cố gắng tránh chấn thương.

Tôi từng xem video ngôi sao số một Hàn Quốc Son Heung-min ăn sáng quanh năm suốt tháng với bánh mỳ, quả bơ và trứng. Làm được hàng ngày như thế cực kỳ khó, nhưng dù có nhàm chán vẫn không được bỏ cuộc. Vì chỉ như vậy mới duy trì được phong độ và hướng đến phát triển hơn.

Phạm Xuân Mạnh ôm vợ Trần Thị Dung (giữa) và con gái chia vui sau khi vô địch ASEAN Cup 2024 tại sân Rajamangala tối 5/1. Ảnh: Giang Huy

– Thi đấu không khoan nhượng trên sân, nhưng Xuân Mạnh cũng dễ dàng bật khóc nức nở trong vòng tay vợ con ở sát khán đài dành cho CĐV Việt Nam sau trận đấu với Thái Lan. Điều gì khiến anh xúc động đến vậy?

– Lúc chạy ra chia vui với vợ con, tôi vẫn còn tươi lắm. Thế rồi, vợ tôi (Trần Thị Dung) khóc, con gái cũng nức nở, chắc vì đông người. Tôi ôm lấy vợ con và cũng vỡ òa, nhưng là khóc trong hạnh phúc chiến thắng.

Tôi luôn biết ơn vợ đã chăm chút cho gia đình. Từ thời tôi còn chơi cho SLNA, vợ đã hy sinh nhiều để thay tôi nuôi con. Năm 2021, chúng tôi cưới nhau và có bé đầu, giờ có thêm bé thứ hai hơn 15 tháng. Toàn bộ đều một tay vợ chăm sóc, còn tôi về nhà chủ yếu nghỉ ngơi và chơi với con.

Ban đầu, nhà tôi không có ý định sang Thái Lan xem lượt về chung kết. Nhưng đến bán kết, tôi nói với vợ sắp xếp để hai mẹ con đi một chuyến cho biết nước ngoài thế nào. Chúng tôi đặt vé trước lượt về ba ngày, xong được chuyển sang đi cùng chuyên cơ mà bác Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển – ông chủ CLB Hà Nội) sắp xếp cho gia đình các cầu thủ. Nhờ vậy, anh em trong đội tuyển có thêm người thân đồng hành trong hành trình nâng Cup.

– Sau chức vô địch ASEAN Cup, Xuân Mạnh ước mơ hoặc đặt mục tiêu gì cho năm mới 2025?

– Tôi sẽ giữ gìn sức khỏe như mọi năm và tập luyện chăm chỉ tại CLB. Tôi muốn giúp Hà Nội FC phát triển và giành chiến thắng. Tôi luôn khát khao vô địch V-League. Và xa hơn là tiếp tục được lên đội tuyển để cống hiến, vì đó là vinh dự và hạnh phúc với mọi cầu thủ.

Ngoài ra, tôi còn một mong ước cho Sông Lam Nghệ An. Đó là nơi nuôi dưỡng và giúp nhiều thế hệ cầu thủ như tôi trưởng thành, nhưng đã chững lại vài năm gần đây. Thật buồn khi tại ASEAN Cup vừa qua, tôi là cầu thủ gốc Nghệ duy nhất lên tuyển. Dù không còn chơi bóng ở đó, tôi vẫn hướng về SLNA. Hy vọng các lãnh đạo tỉnh quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để đội bóng có điểm tựa và phát triển.