Truyền thông Trung Quốc cho rằng chức vô địch AFF Cup chưa phải là “chiến tích” lớn nhất mà HLV Kim Sang-sik vừa cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
May mắn thay, tuyển Trung Quốc không mời HLV Troussier, dư luận Việt Nam: Người này tham vọng đến mức làm hại chúng ta suốt 2 năm”, đây là tiêu đề bài viết vừa được trang 163 (Trung Quốc) đăng tải để bình luận về tuyển Việt Nam. Bài đề cập tới 3 HLV gồm Park Hang-seo, Philippe Troussier và Kim Sang-sik và cho rằng “chiến thắng” lớn nhất mà tuyển Việt Nam vừa giành được không phải chức vô địch AFF Cup, mà là toàn đội đã thoát khỏi trạng thái mất phương hướng kéo dài suốt 2 năm. Chúng tôi xin lược dịch lại nội dung chính của bài viết này.
“Tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2024. Họ đã giải quyết được vấn đề nhức nhối của bóng đá suốt 2 năm qua.
Bóng đá Việt Nam rơi vào thế lưỡng nan suốt 2 năm qua: Mất lối chơi, mất phương hướng.
Sau khi lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam từng rơi khỏi top 100 FIFA và thi đấu mờ nhạt ở đấu trường khu vực. Cốt lõi của vấn đề là việc xây dựng phong cách chơi cho đội tuyển quốc gia.
Từ năm 2018-2021, dưới thời HLV Park Hang-seo, tuyển Việt Nam từng giành thành công lớn ở đấu trường khu vực, thậm chí từng đánh bại một số đội mạnh ở châu Á. Tuy nhiên, người ta bắt đầu kỳ vọng đội bóng phải có hệ thống chiến thuật rõ ràng và nhiều lớp, có thể tổ chức tấn công từ tuyến sau và phù hợp với lối chơi tiên tiến của châu Âu. Tuyển Việt Nam từng chịu áp lực phải thắng, phải làm chủ thế trận và giành chiến thắng với tỷ số cách biệt, đặc biệt là ở khu vực. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, ông càng thất vọng hơn.
Việc chiêu mộ Philippe Troussier, người tạo ra lối chơi hiện đại cho bóng đá Nhật Bản đầu thế kỷ 21, phản ánh tham vọng của bóng đá Việt Nam. Kết quả thật đáng thất vọng. Đội tuyển Việt Nam thua nhiều thắng ít, không hình thành được một lối chơi cụ thể. Sự cứng rắn trong lối chơi từng được coi là đáng tự hào dưới thời HLV Park Hang-seo cũng dần biến mất.
Cho tới khi, mọi thứ đã thay đổi ở AFF Cup, tuyển Việt Nam trở lại mạch chiến thắng.
Ở AFF Cup 2024, tuyển Việt Nam không còn chịu áp lực phải chơi áp đặt. Ở các trận bán kết và chung kết, tuyển Việt Nam có tỷ lệ kiểm soát bóng thấp hơn so với Singapore và Thái Lan, tỷ lệ đường chuyền cũng thấp hơn đối thủ. Với trung phong Xuân Son làm nòng cốt, tuyển Việt Nam áp dụng chiến thuật chuyền dài và dồn dập. Các hậu vệ thường chủ động thực hiện những đường chuyền dài chéo góc để sắp xếp lại đội hình. Tất cả những điều này cho thấy đội bóng áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công tương tự thời Park Hang-seo.
Khi mục tiêu của toàn đội chuyển từ “áp đặt” sang “chiến thắng”, Những chiến binh sao Vàng đã lấy lại được lợi thế của mình.
Nguyễn Quang Hải không còn chịu áp lực tiếp tục tạo nên kỳ tích, anh sẵn sàng vào sân từ ghế dự bị và thay đổi trận đấu vào những thời điểm quan trọng.
Một số cầu thủ nổi tiếng khác cũng nỗ lực tìm lại niềm tin của người hâm mộ, chẳng hạn như đội trưởng Đỗ Duy Mạnh hay tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, cả hai đều sẵn sàng vào sân từ ghế dự bị.
Tuyển Việt Nam ở AFF Cup cầm bóng ít hơn, chuyền ít hơn nhưng cảm hơn, kiên cường hơn và quan trọng nhất là biết cách giành chiến thắng.
Thực tế, phong cách chơi hay triết lý bóng đá rất dễ bị hiểu lầm. Trên thế giới cũng như thế. Thành công của Pep Guardiola và các CLB của ông khiến nhiều đội bóng tin rằng họ có thể tổ chức tấn công một cách có trật tự từ tuyến dưới.
Song, hiếm có đội nào trên thế giới có thể dựng cấu trúc lối chơi như Man City của Pep Guardiola. Mô hình của Pep đòi hỏi nguồn lực vô hạn. Trong 9 năm huấn luyện Man City, ông yêu cầu ông chủ chi 1 tỷ bảng để mua cầu thủ. Đối với bóng đá Việt Nam, điều này là không thể.
Cường quốc bóng đá châu Á Nhật Bản từng đánh bại cả Đức và Tây Ban Nha ở World Cup 2022. Lối chơi của họ là kết quả của nhiều năm rèn luyện từ lứa U10 và sự kết hợp giữa văn hóa, bóng đá học đường và các yếu tố khác.
Tuy nhiên, Nhật Bản không dựa vào chiến thuật kiểm soát bóng để đánh bại Đức và Tây Ban Nha. “Samurai xanh” cầm bóng dưới 30% trong cả 2 trận. Chiến thắng đến từ việc họ biết trân trọng mọi cơ hội và sự kiên cường trong trận đấu.
Thật trùng hợp, tuyển Việt Nam cũng đã thể hiện sự dẻo dai và kiên cường ở AFF Cup. Gặp khó khăn rất lớn nhưng họ không gục ngã mà kiên cường ngược dòng đánh bại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trước một đội từng thua 0-3 trên sân nhà trước Indonesia ở vòng loại World Cup năm ngoái.
Tương lai của bóng đá Việt Nam: Thực tế, và vươn lên chính mình.
Chiến thắng ở AFF Cup cho thấy nhận định “cầu thủ thiếu tinh thần chiến đấu” hay “bóng đá Việt Nam đang sa sút” chỉ là câu chuyện phiếm trong mỗi bữa tối sau thất bại của HLV Troussier.
Bóng đá Việt Nam cần hiểu rõ khái niệm “xây dựng lối chơi áp đặt” mơ hồ và ngông cuồng. Họ tiếp tục xây dựng nền bóng đá trẻ, cải thiện thứ hạng FIFA, phấn đấu giành chức vô địch khu vực và hướng tới châu Á.
Một phong cách chơi kiểu Pep Guardiola không thúc đẩy bóng đá Việt Nam tiến về phía trước. Họ chỉ cần chiến thắng. Trên thực tế, tất cả người hâm mộ bóng đá đều muốn chiến thắng, dù là Brazil, Argentina, Italia, Anh, Đức hay Pháp.
Đối với bóng đá Việt Nam, mục tiêu có thể đơn giản hơn: vượt qua chính mình của ngày hôm qua. Lối chơi hay triết lý chỉ đơn giản là một công cụ để đạt được mục tiêu này”.