Lái xe trong thành phố với mật độ phương tiện đông đúc, xe máy tạt đầu thường xuyên và còi xe dồn dập là những yếu tố khiến người mới cầm vô-lăng cảm thấy căng thẳng. Nhiều người dù có bằng lái nhưng vẫn ngại ra đường, đặc biệt là vào giờ cao điểm hoặc di chuyển qua các khu vực đông dân cư.
Để cải thiện tâm lý và tự tin lái xe, dưới đây là 4 kinh nghiệm cơ bản nhưng quan trọng các “tài mới” cần nắm rõ.
Làm quen với xe
Tâm lý “sợ xe” rất phổ biến ở những người mới bắt đầu lái, nhất là khi đổi từ xe tập lái sang xe gia đình. Cảm giác không kiểm soát được kích thước xe, không chắc chắn khi đánh lái hay khó khăn trong việc căn chỉnh khoảng cách khiến nhiều tài xế gặp trạng thái lo lắng.
Việc làm quen với xe giúp tài xế hiểu rõ hơn về chân ga, phanh
ẢNH: CHÍ TÂM
Trước khi lái xe trong phố, nên dành thời gian làm quen với xe ở khu vực vắng hoặc bãi xe trống, bao gồm việc kiểm soát thuần thục chân phanh/ga, cảm nhận độ nặng của vô-lăng, cũng như quan sát qua gương chiếu hậu, camera lùi… Khi hiểu rõ cách phản hồi của xe, tài xế sẽ tự tin và kiểm soát tình huống tốt hơn.
Nắm biển báo, tín hiệu giao thông khi lái xe
Việc tuân thủ đúng biển báo và tín hiệu không chỉ giúp đi đúng luật mà còn tạo cảm giác an toàn, bớt áp lực. Nhiều người mới lái xe lúng túng khi gặp biển cấm rẽ, không nhớ làn đường ưu tiên hoặc loay hoay khi thấy đèn tín hiệu thay đổi bất ngờ… Điều này dễ dẫn đến tình huống dừng giữa ngã tư hoặc chuyển hướng sai.
Nắm kỹ biển báo giao thông giúp người lái tự tin và chủ động hơn khi di chuyển
ẢNH: NHẬT THỊNH
Do đó, người mới lái nên ôn lại các biển báo thường gặp trong nội đô như biển cấm rẽ trái, cấm quay đầu, biển đường một chiều, biển báo khu vực trường học, khu dân cư… Đồng thời chú ý quan sát tín hiệu đèn và các vạch kẻ đường để ra quyết định chính xác, giảm tình trạng bị động.
Bình tĩnh khi bị bấm còi liên tục
Tâm lý hoang mang khi nghe tiếng còi xe phía sau là phản ứng thường gặp ở người mới lái, đặc biệt là nữ giới. Nhiều người mất bình tĩnh, đạp nhầm chân ga hoặc thắng gấp, dẫn đến tình huống nguy hiểm.
Nên giữ vững tay lái, quan sát và xử lý tình huống khéo léo, tránh ảnh hưởng tâm lý bởi tiếng còi xe
ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Trò chuyện cùng PV Thanh Niên về vấn đề này, thầy Lý Trung, giáo viên dạy lái xe tại TP.HCM chia sẻ: “Tiếng còi xe trên đường phố đông đúc có thể là tín hiệu cảnh báo người tham gia giao thông. Tài xế mới lái cần vững tâm lý, không nên bị giật mình hoặc vội vàng xử lý thiếu quan sát”.
Ngoài ra, cần tránh phản ứng trả đũa hoặc tranh đường khi tham gia giao thông. Đây là văn hóa xấu cần loại bỏ để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Thành thạo kỹ năng lùi và đỗ xe nơi chật hẹp
Một trong những tình huống khiến người mới lái cảm thấy áp lực nhất là khi phải lùi xe hoặc đỗ xe ở khu vực hẹp, đông phương tiện qua lại. Nếu không đủ bình tĩnh, tài mới có thể bị va quẹt, gây ùn tắc… Do đó cần luyện tập kỹ cách lùi xe thẳng, lùi xe theo góc vuông và đỗ xe song song bằng gương.
Thuần thục kỹ năng đỗ xe trong khu vực chật hẹp giúp người lái tự tin hơn khi di chuyển trong phố
ẢNH: HÀ MAI
Nếu ô tô có camera lùi hoặc cảm biến, nên học cách kết hợp giữa gương chiếu hậu và trang bị hỗ trợ để tăng sự hiệu quả khi lùi, đỗ xe. Khi đã tự tin với việc đưa xe ra vào khỏi các không gian chật, tài xế sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi lái trong phố.
Lái xe trong đô thị là một hành trình không dễ dàng với người mới, đặc biệt là các chị em. Tuy nhiên, khi có đủ thời gian làm quen, luyện tập đúng kỹ năng và giữ tâm lý vững vàng, việc cầm lái sẽ dần trở thành một phản xạ tự nhiên, thay vì nỗi sợ mỗi lần ra đường.