Theo đó từ hôm nay 1/1/2025, nâng mức phạt ô tô, xe máy vượt đèn đỏ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trong đó, Nghị định quy định: Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng).
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800.000 – 1 triệu đồng).
Đây là thay đổi nhằm răn đe mạnh mẽ những vi phạm gây nguy hiểm tại các giao lộ đông người.
Nếu đèn tín hiệu bị lỗi thì xử trí thế nào?
Nhiều người thắc mắc, nếu đèn trục trặc dẫn đến việc người dân nhìn không rõ, xảy ra vi phạm thì xử lý thế nào. Trên báo Tuổi Trẻ, vấn đề này được giải đáp như sau.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết tại các nút giao thông hiện nay, đại đa số đều được trang bị hệ thống camera giám sát.
Nếu người dân khi gặp trường hợp bị lập biên bản xử phạt chưa thỏa đáng có quyền khiếu nại theo quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Khi nhận được khiếu nại, lực lượng cảnh sát giao thông chắc chắn sẽ có sự đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan.
Đối với việc xử lý khi gặp pha đèn vàng, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay tài xế phải dừng trước vạch khi đèn chuyển tới pha màu vàng. “Trường hợp đã đi qua vạch dừng vẫn được phép đi tiếp”.
Vị này cũng khẳng định trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt. Nguyên nhân là Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
Tại bộ luật này cũng nêu rõ, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.