Tịch thu phương tiện là một trong những một trong những hình thức xử phạt chính trong xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Theo đó, từ 01/01/2025, người dân cần lưu ý ngay 12 lỗi vi phạm bị tịch thu xe máy ngay trong bài viết dưới đây.
1. 12 lỗi vi phạm bị tịch thu xe máy từ 01/01/2025
Theo khoản 11 Điều 7; khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 14 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe máy nếu có vi phạm các lỗi sau đây ngoài việc bị phạt tiền, trừ điểm giấy phép lái xe (nếu có) thì sẽ áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện gồm:
– Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe
– Dùng chân điều khiển xe
– Ngồi về một bên điều khiển xe
– Nằm trên yên xe điều khiển xe
– Thay người điều khiển khi xe đang chạy
– Quay người về phía sau để điều khiển xe
– Bịt mắt điều khiển xe
– Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh
– Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ
– Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông
– Điều khiển phương tiện mà không có chứng nhận đăng ký xe
– Sử dụng chứng nhận đăng ký xe không do đúng cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số động cơ (số máy) của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng nhận nguồn gốc xe, chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp).
2. Bỏ xe khi vi phạm bị phạt thế nào?
Hiện nay, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
– Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Do đó, nếu người vi phạm trốn tránh không nộp phạt mà bỏ xe lại thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Bên cạnh đó, tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định, trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng cách hình thức sau:
– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm;
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
– Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả
Như vậy, trường hợp người vi phạm cố tình không nộp phạt, bỏ lại xe thì vẫn sẽ phải đóng phạt theo quyết định xử phạt hành chính, nếu không chấp nhận quyết định xử phạt thì có thể bị cưỡng chế bằng các biện pháp đã nêu trên.
3. Thủ tục nhận lại xe bị tạm giữ như thế nào?
Theo Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định, thủ tục nhận lại xe bị tạm giữ như sau:
Bước 1. Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện và quyết định tạm giữ.
Bước 2. Kiểm tra giấy tờ tùy thân (CCCD/thẻ Căn cước…) của người đến nhận.
Người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ hoặc đại điện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ phương tiện.
Trường hợp muốn nhờ người khác đến nhận hộ thì phải lập văn bản ủy quyền có công chứng.
Bước 3. Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện phải đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý.
Bước 4. Lập biên bản ghi nhận việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Bước 5. Trường hợp phải chuyển phương tiện đi để giám định thì người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện.
Biên bản phải lập thành 02 bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ 01 bản.
Nói tóm lại, khi đi nhận lại phương tiện giao thông bị tạm giữ thì người dân cần mang theo:
- Biên bản tạm giữ
- Giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân, thẻ Căn cước)
Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về 12 lỗi vi phạm bị tịch thu xe máy từ 01/01/2025 người dân cần lưu ý.